HUẾ – 13 VỊ VUA TRIỀU NGUYỄN
VÀ HỆ THỐNG LĂNG TẨM TUYỆT ĐẸP
Nhà Nguyễn được thành lập sau khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chấm dứt khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945, trị vì tổng cộng 143 năm với 13 vị vua thuộc 7 thế hệ.
Triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, đặc biệt là cuộc xâm lược của thực dân Pháp giữa thế kỷ 19, trải qua hai giai đoạn chính:
– Từ năm 1802–1858 là giai đoạn độc lập, từ khi vua Gia Long thống nhất đất nước đến các đời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
– Từ năm 1858–1945 là giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ, kể từ khi quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào tháng 8 năm 1945.
1. VUA GIA LONG
Vua Gia Long (1762 – 1820), húy là Nguyễn Phúc Ánh, là vị vua sáng lập nhà Nguyễn. Ông trị vì 17 năm 247 ngày, từ 1/6/1802 đến khi qua đời ngày 3/2/1820. Lăng Vua Gia Long (Thiên Thọ Lăng) hiện nay nằm tại thôn Đinh Môn, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
2. VUA MINH MẠNG
Vua Minh Mạng (1791 – 1841), tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, là vị hoàng đế thứ hai của Hoàng triều Nguyễn. Ông trị vì 20 năm, từ tháng Giêng năm Canh Thìn (1820) đến khi qua đời 20/1/1841. Lăng Vua Minh Mạng (Hiếu Lăng) đặt tại núi Cẩm Khê, Hương Thọ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
3. VUA THIỆU TRỊ
Vua Thiệu Trị (1807 – 1847), tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, là vị hoàng đế thứ ba của Hoàng triều Nguyễn. Ông kế vị vua cha là Minh Mạng, trị vì từ 11/2/1841 đến khi qua đời 4/10/1847 (6 năm 235 ngày). Lăng Vua Thiệu Trị (Xương Lăng) nằm tại thôn Cư Chánh, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
4. VUA TỰ ĐỨC
Vua Tự Đức (1829 – 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn kéo dài từ 5/10/1847 đến khi qua đời 19/7/1883 (35 năm, 287 ngày).
Hiện nay, lăng Vua Tự Đức (Khiêm Lăng) nằm tại cổng vào đường Đoàn Nhữ Hải, phường Thủy Xuân, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
5. VUA DỤC ĐỨC
Vua Dục Đức (1852 – 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái – sau đổi thành Nguyễn Phúc Ưng Chân, ông lên ngôi vua ngày 19/7/1883 nhưng tại vị chỉ được ba ngày, ngắn nhất trong số 13 vị hoàng đế của triều Nguyễn.
Hiện nay, lăng Vua Dục Đức (An Lăng) đặt tại số 8 đường Duy Tân, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
6. VUA HIỆP HÒA
Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị. Ông trị vì từ 20/7/1883 đến 29/11/1883 (4 tháng).
Lăng Hiệp Hòa đặt tại đường Tam Thai, núi Tam Thai, phường An Tây, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam (gần Khu Di Tích Lịch Sử Chín Hầm).
7. VUA KIẾN PHÚC
Vua Kiến Phúc (1869 – 1884), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, là con thứ ba của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cai (em ruột của vua Tự Đức, sau tôn là Thuần Nghị Kiên Thái Vương). Vua Kiến Phúc lên ngôi ngày 2/12/1883, tại vị được 8 tháng (chính xác là 242 ngày) thì qua đời vào 31/7/1884, khi ông tròn 15 tuổi.
Lăng Kiến Phúc (Bồi Lăng) nằm trong khuôn viên của di tích Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng).
8. VUA HÀM NGHI
Vua Hàm Nghi (1871 – 1944), tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là em trai của vua Kiến Phúc. Ông lên ngôi từ 1884 đến 1885 (ông tại vị trong giai đoạn đất nước xảy ra nhiều biến động). Vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt đi đày ở Algérie vào ngày 13 tháng 1 năm 1889, ông sống ở đó đến lúc mất ngày 4/1/1943. Năm 1965, hài cốt của vua Hàm Nghi được cải táng về chôn tại nghĩa trang Thonac, Sarlat-la-Canéda, thuộc vùng Périgord (Dordogne), miền Tây Nam nước Pháp.
9. VUA ĐỒNG KHÁNH
Vua Đồng Khánh (1864 – 1889), tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Thị, có tài liệu thì ghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, Nguyễn Phúc Biện. Ông là con trai cả của Kiên quốc công Nguyễn Phúc Hồng Cải và là con nuôi của vua Tự Đức. Ông trị vì từ 19/9/1885 đến 28/1/1889 với thời gian là 3 năm, 131 ngày. Lăng Đồng Khánh (Tư Lăng) đặt tại đường Đoàn Nhữ Hải, phưởng Thủy Xuân, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
10. VUA THÀNH THÁI
Vua Thành Thái (1879 – 1954), tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ bảy của vua Dục Đức. Ông trì vị từ 2/2/1889 đến 3/9/1907 (18 năm, 213 ngày). Ngày 12/9/1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Bạch Dinh, Cap Saint Jacques (TP. Vũng Tàu ngày nay), đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân. Ông mất ngày 20/3/1954 tại Sài Gòn. Lăng ông được đặt tại An Lăng (Lăng Dục Đức) – số 8 đường Duy Tân, An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
11. VUA DUY TÂN
Vua Duy Tân (1900 – 1945), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, là con trai của vua Thành Thái. Ông trị vì từ 5/9/1907 đến 6/5/1916 (8 năm, 244 ngày). Lăng ông được đặt tại An Lăng (Lăng Dục Đức), bên cạnh vua cha Thành Thái.
12. VUA KHẢI ĐỊNH
Vua Khải Định (1885 – 1925), tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trưởng của cua Đồng Khánh. Ông trị vì từ 18/5/1916 đến khi qua đười 6/11/1925 (9 năm, 172 ngày). Lăng Khải Định (Ứng Lăng) đặt tại đường Khải Định, Thủy Bằng, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
13. VUA BẢO ĐẠI
Vua Bảo Đại (1913 – 1997), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, ông là vị vua cuối cùng của triệu đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam. Ông tại vị từ 6/11/1925 đến 30/8/1945 (19 năm, 297 ngày). Bảo Đại qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, Paris và an táng tại Nghĩa trang Pasy, Paris.
Như vậy từ thuở các vua Hùng dựng nước, đến vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, nước ta trải hơn 4000 năm lịch sử với những thăng trầm của hơn 20 triều đại, các ông hoàng, bà chúa.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, vị hoàng đế cuối cùng thoái vị, chấm dứt thời kỳ phong kiến tập quyền lâu dài, lịch sử Việt Nam lật sang trang mới – thời kỳ hình thành một nhà nước Việt Nam – Độc lập – Dân chủ.